- Nhìn lại, 2020 là năm vô cùng đặc biệt với cả nền kinh tế - xã hội nói chung và bất động sản (BĐS) nói riêng bởi sự xuất hiện của Covid-19. Chia sẻ tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam 2020 diễn ra ngày 11/12, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM và Bình Dương của Batdongsan.com.vn chỉ ra hầu hết các loại hình của thị trường BĐS nói chung đều chịu những tác động tiêu cực từ Covid-19.
- Báo cáo thị trường quý 3/2020 của Batdongsan.com.vn cho thấy, mức độ quan tâm loại hình nhà mặt phố cho thuê tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) giảm 11% so với quý 2/2020. Nhiều khu vực đất nền phía Nam như Bình Dương và Đồng Nai có mức độ quan tâm giảm lần lượt là 3% và 13% từ quý 2 sang quý 3/2020.
- Dù vậy, trên nền xám của bức tranh thị trường, BĐS công nghiệp lại trở thành điểm sáng trong năm nay và dự báo cho cả năm 2021 bởi những tác động từ các hiệp định thương mại (EVFTA, RCEP); kế hoạch lập nhà máy sản xuất tại Việt Nam của nhiều tập đoàn; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để kinh tế có thêm nhiều hy vọng. Trong quý 3, cả nước đã có 369 khu công nghiệp (KCN) được thành lập, tăng 33 KCN so với thời điểm quý 2 và 280 KCN đi vào hoạt động, tăng 19 KCN so với quý 2.
Đồng quan điểm, ông Ngô Văn - Giám đốc Marketing của Danh Khôi cũng cho rằng Việt Nam sẽ ngày càng đón những cánh “đại bàng” lớn. Bên cạnh neo theo cơn sóng BĐS công nghiệp, ông Ngô Văn dự báo những sản phẩm BĐS gần khu công nghiệp có thể tạo sức hút và sự khác biệt trong năm 2021, khi nhu cầu người mua ngày càng phong phú hơn, ví như đối tượng là các chuyên gia nước ngoài.
Chung cư vẫn thu hút sự quan tâm
Trong khi đó, theo ông Đinh Minh Tuấn, chung cư là loại hình duy trì mức độ quan tâm ổn định và có lượng người quan tâm lớn nhất quý 3/2020 với 29%, kế đến là đất thổ cư với 23%, nhà riêng 21%. Dưới tác động của dịch Covid-19, hành vi tiêu dùng, thị hiếu của người mua nhà cũng có những thay đổi lớn.
Ví dụ như, quý 2/2020 nhu cầu tìm kiếm chung cư mini tăng 220% so với quý 1/2020; 64% người được hỏi cho biết sẽ chọn căn hộ chung cư thay vì chọn nhà hẻm nhỏ 1-2m; chung cư vẫn là lựa chọn được ưu tiên ở các thành phố lớn do giá thành, tiện ích và thuận tiện trong đi lại. Đặc biệt, số liệu của báo cáo dân số và nhà ở (2019) của Tổng cục thống kê cũng cho thấy, trong vòng 10 năm (2009-2019) số lượng hộ dân thành thị ở nhà chung cư đã tăng trưởng 1.5 lần. Chung cư vẫn được coi là sản phẩm chủ đạo trong định hướng phát triển sản phẩm cho các chủ đầu tư trong những năm tới. Sang năm 2021, giá chung cư tại TP.HCM được dự báo tiếp tục gia tăng.
Dịch Covid-19 đẩy nhanh tốc độ thích ứng của thị trường bất động sản Việt Nam
Năm 2020, không chỉ hành vi tiêu dùng, phương thức kinh doanh, tiếp cận khách hàng của các doanh nghiệp, chủ đầu tư cũng thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với tình trạng giãn cách xã hội do dịch bệnh. Công nghệ BĐS trở thành cứu cánh cho các doanh nghiệp khi cung cấp các nền tảng bán hàng trực tuyến, giúp kết nối người mua và người bán mà không cần gặp mặt trực tiếp. Thay đổi để thích ứng là điều sống còn của các doanh nghiệp trong thời kỳ “bình thường mới”.
Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Cấp cao Tập đoàn Đất Xanh nhận thấy xu hướng sử dụng công nghệ trong kinh doanh bất động sản là tất yếu, đã diễn ra rõ hơn trong suốt 1-2 năm trước. Theo ông Nam, dịch Covid-19 đã đẩy tốc độ dịch chuyển này lên rất nhanh. Nhìn qua thương mại điện tử làm ví dụ, dịch bệnh với tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này lên gấp 2-3 lần bình thường. “Bất động sản cũng tương tự, xu hướng này là không thể cưỡng lại được”, ông Vũ Quốc Việt Nam.
Câu chuyện nhân sự bất động sản thời... Covid
Trong bối cảnh đặc biệt như năm 2020, ngành BĐS đã chứng kiến sự xáo trộn không hề nhỏ về mặt nhân sự, nhất là đối tượng nhân viên kinh doanh (môi giới). Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search chỉ ra đặc thù của ngành BĐS là nhân viên nhảy việc trung bình khoảng 2-3 năm/lần, đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải lưu ý. Theo Navigos Search, có tới 69% ứng viên trong khảo sát cho biết đang tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Theo bà Mai, ngoài yếu tố lương thưởng, các ứng viên bày tỏ rằng họ mong muốn nhiều hơn về các cơ hội thăng tiến trong công việc, được đào tạo bài bản và sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Đây là điều mà doanh nghiệp BĐS cần lưu ý để có thể giữ hiền tài.
Nói về câu chuyện công nghệ trong kinh doanh BĐS, một xu hướng mới về tuyển dụng cũng đang được ghi nhận. Đó là việc các doanh nghiệp đang hướng nhiều hơn về yếu tố công nghệ, nghĩa là ưu tiên/yêu cầu ứng viên có trình độ/hiểu biết về công nghệ (như thiết kế, phân tích dữ liệu big data,…). Bà Mai dự báo về sự mở rộng đối với nhân lực ngành BĐS, nghĩa là không chỉ gói gọn trong những ngành nghề quen thuộc (như bán hàng, kinh doanh,...) mà còn từ những ngành nghề khác nếu sở hữu tố chất cần thiết.
Dù công nghệ ngày càng đi sâu vào cuộc sống và công việc, song con người vẫn là yếu tố quyết định nhất. Bà Mai nhận định, do yếu tố văn hóa, người Việt vẫn giữ thói quen, ưu ái hơn đối với sự giao tiếp người với người. Độ tuổi từ 35-50 tuổi là đối tượng mua BĐS tiềm năng nhất, song công nghệ chưa phải là lợi thế nhất định đối với nhóm đối tượng này. Bởi lẽ đó, nâng cao về đào tạo chuyên môn cho nhân viên kinh doanh là điều luôn luôn phải chú trọng. Việc cấp giấy phép hành nghề môi giới cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm tăng tính chuyên nghiệp hóa.
Ông Ngô Văn đồng ý với quan điểm cho rằng trải nghiệm của khách hàng là rất quan trọng, việc “cầm được, sờ được” một sản phẩm sử dụng trong hàng chục năm (đa phần) chắc chắn là điều người mua luôn luôn muốn làm. Không chỉ vậy, người mua ngày càng chú trọng hơn về các yếu tố về tiện ích khi sử dụng BĐS. Nắm bắt điều đó, nhiều chủ đầu tư lớn đã và đang gia tăng về yếu tố về tiện ích, môi trường sống xanh,... nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của người mua.